Thiết kế thuần ThinkPad hơn, Lenovo đem giấu đi:
Thiết kế của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không mới khi so với Gen 5. Kể từ thế hệ trước ra mắt năm 2017 thì Lenovo đã làm mới thiết kế của dòng ThinkPad X1 Carbon với viền màn hình mỏng, giảm độ dày máy, trọng lượng nhẹ hơn và làm lại bản lề để tăng độ bền cho màn hình bởi thành phần này thường bị kêu ca không chắc chắn trên các thế hệ ThinkPad X1 Carbon trước.
ThinkPad X1 Carbon Gen 6 có vẻ ngoài không mới, có chăng nếu anh em mua phiên bản màu xám thì mới lạ con mắt còn đen thì nhìn là biết ngay ThinkPad. Thế nhưng nếu soi kỹ hơn thì có thể thấy những yếu tố thuộc về Lenovo đã được giấu đi, mặt ngoài nắp máy có logo X1 ở góc dưới và logo ThinkPad cũng được làm mới với màu đen bóng thay vì màu bạc sáng được Lenovo áp dụng trên dòng ThinkPad kể từ khi mua lại thương hiệu này từ IBM năm 2005.
Ngoài ra phần bản lề được cải tiến với khớp mở lần này trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 mình thấy mượt mà hơn, cho phép mở bằng một tay và màu thép đặc trưng của bản lề cũng được chuyển sang đen. Mình thích thiết kế này dù nó khiến chiếc ThinkPad mất đi phần nào vẻ đặc trưng với 2 bản lề sáng loáng, màu đen khiến chiếc máy nhìn liền lạc và cứng cáp hơn.
Độ mỏng của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 là 15,95 mm ở điểm mỏng nhất, tương đương độ mỏng của Gen5 và trọng lượng cũng quanh quẩn ở 1,2 kg đổ lại tuỳ cấu hình. Thật sự độ mỏng và trọng lượng này khiến không chỉ mình mà nhiều anh em ghé café Tinh Tế chơi phải chú ý. Thấy máy là phải cầm lên coi cho bằng được bởi nó nhẹ và mỏng, trọng lượng chỉ nhỉnh hơn LG Gram 15 2018 khoảng 200 g nhưng mỏng hơn. Mình cầm cái máy dọc như vậy để mod Neoluong chụp giùm tấm hình mà mấy lần bị out nét vì gió quạt tạt máy lắc qua lắc lại.
Mỏng nhưng không ọp ẹp, dòng ThinkPad X1 Carbon là dòng flagship nên Lenovo đầu tư rất kỹ trong khâu thiết kế khung lẫn chất liệu chế tạo. Nắp máy được làm bằng vật liệu nhựa gia cường bằng sợi carbon hay sợi thuỷ tinh trong khi phần thân và đáy máy được làm bằng hợp kim magnesium để đảm bảo độ bền và trọng lượng nhẹ. ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn phải vượt qua nhiều bài test về độ bền theo chuẩn MIL-STD trước khi xuất xưởng và những điểm yếu, flex trên dòng ThinkPad X1 Carbon cũ đã được khắc phục.
Kết nối đầy đủ các cổng tốc độ cao:
Cũng nói về các cổng kết nối trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 thì nó có khá là đầy đủ với 2 cổng USB-C (Thunderbolt 3 + USB 3.1 Gen2) tại cạnh trái, 2 cổng USB-A (USB 3.1 Gen1) tại mỗi cạnh, HDMI kích thước tiêu chuẩn và jack âm thanh 3,5 mm combo.
Tại cạnh sau có khe thẻ nhớ microSD + SIM nhưng nó được thiết kế giống như khay SIM trên điện thoại, cần phải dùng cái ghim giấy hay que chọc SIM để lấy ra nên mình không thích thiết kế này. Lenovo nên đơn giản hoá cơ chế đóng mở để có thể truy xuất nhanh thay vì làm kín như vậy. Khe thẻ cũng là microSD nên nó cũng không tiện dụng đối với những anh em hay chụp ảnh bởi thẻ máy ảnh thường là SD. Để dùng dữ liệu di động thì anh em lưu ý phải có card WWAN, đây là một tuỳ chọn trong phần cấu hình khi build mua máy.
v
Đáy máy đơn giản với một tấm hợp kim duy nhất nên việc tháo ra để bảo trì hay nâng cấp phần cứng bên trong không quá khó với chỉ 5 con ốc 4 cạnh. Cũng tại phần đáy chúng ta có thể thấy 2 loa hướng về phía trước như ThinkPad X1 Carbon Gen5, âm thanh sẽ được tăng độ lớn ít nhiều nhờ cộng hưởng với bề mặt phẳng.
Nội thất chỉnh chu, vừa đủ. Bàn phím vẫn rất kích thích:
Nội thất của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 rất chỉnh chu theo lời đánh giá của @cuhiep :), mình thì chắc dùng ThinkPad lâu rồi nên cũng không lạ gì nội thất của nó. Tổng thể thì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn y hệt Gen 5, viền màn hình được bóp hẹp lại 2 bên khiến kích thước tổng thể máy hẹp theo, nếu so với ThinkPad T480 thì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 sẽ nằm lọt thỏm trong lòng.
Viền trên màn hình đủ không gian để chứa cụm camera + cảm biến hồng ngoại hỗ trợ nhận diện khuôn mặt qua Windows Hello. Ngoài tuỳ chọn webcam này thì người dùng quan tâm đến vấn đề bảo mật có thể chọn ThinkShuttle với webcam có cửa đóng mở. Tốc độ nhận diện của cụm webcam này với tính năng Face Recognition khá nhanh và nhận diện trong tối tốt dù chưa thể đạt tốc độ của các hệ thống Face ID trên điện thoại.
Trải nghiệm bàn phím và bàn rê trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn rất tuyệt vời. Máy mỏng nhưng bàn phím vẫn giữ nguyên hành trình dài dặc trưng, tương tự hành trình của dòng T400 huyền thoại. Cảm giác gõ đã tay, độ nẩy phím cao và êm không phát ra tiếng động khi gõ là thứ khiến anh em yêu ThinkPad. ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn duy trì layout phím tiêu chuẩn, các phím chữ U kích thước lớn và không có gì thay đổi về vị trí các phím chức năng so với các thế hệ trước. Đèn bàn phím màu trắng với ánh sáng phát ra vừa phải, không quá chói khi làm việc ban đêm, hỗ trợ 2 nấc độ sáng.
Giữa bàn phím vẫn là TrackPoint màu đỏ đặc trưng với 3 phím bấm vật lý đi kèm ngay dưới phím Space. Cảm giác điều hướng bằng TrackPoint nhạy, tốt và dĩ nhiên anh em quen mới xài ngon được, 3 phím bấm hơi dẹt nhưng độ nẩy cao và dễ bấm. Tuy vậy vì vẫn duy trì TrackPoint nên bàn rê của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không thể lớn hơn.
Kích thước bàn rê là 10 x 6 cm, vẫn đủ lớn để thực hiện các thao tác đa điểm nhưng mình vẫn muốn cái bàn rê này to hơn nữa, cỡ 10 x 7,5 cm là hợp lý . Chất lượng bàn rê theo cá nhân mình tốt hơn so với bàn rê trên Gen5, bề mặt được phủ kính nhưgn hơi sần mịn, ít bám mồ hôi và độ nhạy cao. Bàn rê dùng driver Microsoft Precision Touchpad hỗ trợ đầy đủ các thao tác cử chỉ của Windows 10 với độ trễ thao tác thấp. 2 phím chuột được tích hợp bên dưới, hành trình ngắn, độ nẩy vừa phải, mềm nhưng bấm rất có cảm giác.
Cảm biến vân tay đặt bên phải bàn rê như thường lệ và là loại cảm biến một chạm, dữ liệu vân tay được lưu vào cảm biến nhằm tăng tính bảo mật. Mình không thích thiết kế cảm biến vân tay này lắm bởi kích thước cảm biến nhỏ, lại được đặt hơi sâu nên nó ảnh hưởng đến khả năng nhận diện và cũng chỉ tối ưu khi dùng các ngón tay nhỏ trừ ngón cái.
Màn hình rất đẹp